Ăn dặm kiểu Nhật và ăn dặm kiểu Việt – mẹ chọn cách nào để tập cho bé nết ăn ngoan? Sau đây mẹ Game xin chia sẻ lựa chọn của mình đối với hai phương pháp trên:
Những năm gần đây, phong trào tập cho con ăn dặm theo kiểu Nhật được nhiều mẹ Việt trẻ ủng hộ và áp dụng; hiệu quả của nó được thể hiện rõ qua nết ăn ngoan của trẻ em Nhật Bản. Điểm khác biệt nổi bật của ăn dặm kiểu Nhật là mẹ thúc đẩy quá trình ăn thô sớm và bé được cho ăn từng thức ăn riêng biệt, giúp kích thích, phát triển vị giác, tạo cảm giác thích thú khi trẻ khám phá bữa ăn.
Tuy nhiên, đối với các mẹ Việt, áp dụng ăn dặm kiểu Nhật gặp khá nhiều khó khăn: (1) Phải dành nhiều thời gian để chuẩn bị nguyên liệu, thức ăn cho bé; (2) Kiến thức về ăn dặm kiểu Nhật chủ yếu được truyền đạt qua mạng Internet, các mẹ không được tiếp thu thực tiễn từ những người đi trước (nói cách khác, vừa tiến hành, các mẹ lại phải vừa dò dẫm tìm đường đi); (3) Khó khăn lớn nhất là phương pháp này không được sự ủng hộ của người nhà (chồng, ông bà nội ngoại, họ hàng..), do nó có nhiều khác biệt với phương pháp ăn dặm truyền thống, mà các mẹ Việt lại chịu sự tác động rất lớn từ người nhà khi tập cho bé ăn dặm.
Bé sẽ có nết ăn ngoan khi được mẹ 'huấn luyện' ăn dặm kiểu Nhật? (Ảnh minh họa).
Trong khi đó, ăn dặm kiểu Việt ngày càng thiếu tính thuyết phục do tình trạng bé biếng ăn, bé ăn rong khắp đầu làng ngõ phố. Thật ra, mẹ Game nghĩ, không phải là phương pháp ăn dặm kiểu Việt có vấn đề. Hiện nay, Viện Dinh Dương Quốc gia vẫn hướng dẫn các mẹ nấu cháo theo phương pháp này; ông bà, cha mẹ và chính chúng ta cũng lớn lên bởi cách ăn dặm này. Vấn đề nằm ở chỗ cách nghĩ, quan điểm của bản thân các mẹ khi tập cho con ăn dặm. Tình trạng phổ biến ở đây là bé thường bị ép ăn lượng cháo nhiều hơn so với nhu cầu; mẹ kiêng để thừa cháo vì cho rằng bé sẽ biếng ăn; mẹ tìm mọi cách để bé ăn hết khẩu phần cháo (chơi đồ chơi, xem ca nhạc, đi rong khắp đầu làng ngõ phố…) …
Theo mẹ Game, nếu các mẹ thay đổi quan điểm của mình, và tiếp cận với những suy nghĩ tích cực sau thì hiệu quả sẽ khác:
* Ăn dặm chỉ là quá trình giúp bé làm quen với thức ăn, đồng thời tập cho bé các thói quen, các kỹ năng ăn uống tốt, không nên gây sức ép với bé tạo tâm lý chán ghét thức ăn. Nhất là đối với bé dưới 1 tuổi, ngoài đồ ăn dặm ra, sữa mẹ (hoặc sữa bột) vẫn là nguồn cung cấp chính năng lượng cho bé.
* Mỗi bé có một thể chất, xu hướng, sở thích khác nhau, mẹ cần hiểu được đặc điểm riêng của bé để có thể điều chỉnh cách ăn dặm thật phù hợp.
* Khi bé từ chối món ăn, hãy suy nghĩ em bé cũng như chính bạn, có khi khỏe, khi mệt, khi vui vẻ, khi lại chả muốn ăn gì… Mẹ hãy thử đổi món ăn cho bé, nếu bé vẫn từ chối thì hãy tôn trọng quyết định của bé, rồi bé sẽ ăn sau.
* Không cần thiết mất nhiều thời gian chuẩn bị cầu kỳ cho món ăn của bé, bởi khi bé từ chối, bạn sẽ rất tức giận và bữa ăn sẽ trở thành trận chiến khi bạn cứ ép mà bé lại không ăn.
Các mẹ không nên chỉ nhìn hiệu quả tuyệt vời của ăn dặm kiểu Nhật mà cứng nhắc áp dụng theo phương pháp này. Các mẹ cần nhận rõ điểm khác biệt lớn giữa mẹ Nhật và mẹ Việt, đó là mẹ Nhật giành thời gian ở nhà chăm con hoàn toàn, không bận rộn với công sở. Trong khi mẹ Việt vừa phải lo việc nước, vừa phải đảm việc nhà, nên việc cho con ăn dặm theo kiểu Nhật khó khả thi đối với mẹ Việt, nhất là khi phương pháp này lại không được ngươi nhà ủng hộ.
Theo mẹ Game, các mẹ nên lựa chọn cả hai phương pháp: ứng dụng những ưu điểm của ăn dặm kiểu Nhật vào ăn dặm kiểu Việt để tạo cho con thói quen ăn uống tốt. Mẹ Game vẫn nấu cháo theo phương pháp Việt Nam nhưng tăng dần độ thô của cháo theo tháng tuổi của bé, sử dụng ghế tập ăn và quan trọng nhất là có cách nghĩ tích cực như ở trên. Kết quả hiệu nghiệm thấy rõ, mẹ Game tẩy chay hoàn toàn “ăn rong kiểu Việt Nam” và đã tạo được cho bé một nết ăn ngoan.
Trên đây là chia sẻ của mẹ Game về lựa chọn của mình trong phương pháp tập cho con ăn dặm. Mong các mẹ có lựa chọn phù hợp để mỗi bữa ăn của bé luôn là niềm vui của cả nhà!
Theo eva